Sa sút trí tuệ là sự suy giảm nhận thức mạn tính và toàn bộ. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng chủ yếu đến người cao tuổi. Nó chiếm tới hơn một nửa các ca nhập viện tại các nhà dưỡng lão. Sa sút trí tuệ ngày một gia tăng và là mối quan tâm lo ngại hàng đầu về sức khỏe trên toàn cầu do những tác động to lớn của nó với cá nhân và xã hội.
Các triệu chứng hành vi và tâm lý của bệnh sa sút trí tuệ (Behavioral and psychological symptoms of dementia – BPSD), là các triệu chứng tâm thần kinh không nhận thức xảy ra ở các đối tượng bị sa sút trí tuệ. BPSD là những biểu hiện chính của hội chứng sa sút trí tuệ, có liên quan về mặt lâm sàng như các triệu chứng nhận thức vì có sự tương quan chặt chẽ với mức độ suy giảm chức năng và nhận thức. BPSD bao gồm kích động, hành vi vận động không bình thường bộc phát bao gồm đi lang thang, bồn chồn, la hét, ném, đánh, từ chối điều trị, không ngừng hỏi, cản trở công việc của nhân viên, mất ngủ, lo lắng, phấn chấn, cáu kỉnh, trầm cảm, thờ ơ, ức chế, ảo tưởng, ảo giác và thay đổi giấc ngủ hoặc thèm ăn và khóc. Các triệu chứng hành vi và tâm lý có thể là hậu quả của những thay đổi chức năng liên quan đến chứng sa sút trí tuệ:
- Giảm khả năng ức chế các hành vi không thích hợp (ví dụ, bệnh nhân có thể cởi quần áo ở những nơi công cộng)
- Hiểu sai về các tín hiệu thị giác và thính giác (ví dụ, bệnh nhân có thể chống lại việc điều trị, họ cho rằng đây là hành vi tấn công bản thân mình)
- Suy giảm trí nhớ ngắn hạn (ví dụ, bệnh nhân liên tục yêu cầu những đồ vật đã nhận được)
- Giảm khả năng hoặc không có khả năng diễn đạt nhu cầu (ví dụ, bệnh nhân đi lang thang vì họ đang cô đơn, sợ hãi, hoặc tìm kiếm cái gì đó hoặc ai đó)
Người ta ước tính rằng BPSD ảnh hưởng đến 90% tất cả các đối tượng sa sút trí tuệ trong suốt thời gian họ mắc bệnh dẫn đến những kết cục nặng nề cho cho bệnh nhân và người chăm sóc, phải nhập viện dài ngày, lạm dụng thuốc và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe . Mặc dù các triệu chứng này có thể xuất hiện riêng lẻ nhưng phổ biến hơn là các đặc điểm tâm thần khác nhau đồng thời xảy ra trên cùng một bệnh nhân. Do đó, việc phân loại BPSD theo diễn biến, tiên lượng và đáp ứng điều trị của chúng có thể hữu ích trong thực hành lâm sàng.
Cơ chế bệnh sinh của BPSD chưa được phân định rõ ràng nhưng có lẽ đây là kết quả của sự tác động lẫn nhau một cách phức tạp của các yếu tố tâm lý, xã hội và sinh học. Các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh vai trò của các yếu tố hóa thần kinh, bệnh lý thần kinh và di truyền trong các biểu hiện lâm sàng của BPSD.
Kết hợp giữa các biện pháp can thiệp không dùng thuốc và sử dụng thuốc một cách cẩn thận là liệu pháp được khuyến nghị để quản lý BPSD. Với hiệu quả khiêm tốn của các chiến lược hiện tại, nhu cầu cấp thiết là phải xác định các mục tiêu dược lý mới và phát triển các phương pháp tiếp cận không dùng thuốc mới để cải thiện các kết quả bất lợi liên quan đến BPSD.
BS Nguyễn Thị Thu Nguyệt tổng hợp và biên soạn
Link tham khảo https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3345875/#:~:text=When%20looking%20at%20individual%20symptoms,depression%2C%20apathy%2C%20and%20anxiety.