Lối sống và chế độ ăn uống trong phòng ngừa và điều trị suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở nữ làm một số công việc đặc thù phải đứng/ngồi nhiều  và lâu như giáo viên, nhân viên văn phòng, người bán hàng, thợ dệt, thợ may…Bệnh có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, năng suất lao động và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nặng hơn, nó còn tiềm ẩn nguy cơ gây thuyên tắc tĩnh mạch sâu, đặc biệt thuyên tắc phổi đe dọa tử vong. Một lối sống thích hợp, một chế độ ăn uống và bổ sung những dưỡng chất có nguồn gốc thực vật có lợi cho sự bền vững thành mạch sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và hỗ trợ điều trị, giảm thiểu các tác hại của bệnh, gia tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh

Tăng cường hoạt động thể lực, vận động thể thao phù hợp, tối thiểu 30 phút mỗi ngày không chỉ giúp tăng cường sức bền, sự dẻo dai nói chung của cơ thể, còn giúp giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, mỡ máu…và đặc biệt là suy giãn tĩnh mạch. Đối với những người làm những công việc đặc thù phải ngồi/đứng nhiều và lâu, nên thay đổi tư thế mỗi giờ, nên có những giờ thể dục nhẹ giữa buổi sáng và giữa buổi chiều của một ngày làm việc. Không hút thuốc, kiểm soát cân nặng, kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp, đường máu, mỡ máu…cũng góp phần giảm các yếu tố nguy cơ, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Tắm nước ấm (trị liệu thủy sinh) cũng là một liệu pháp không xâm lấn hữu hiệu được khuyến cáo cho các tình trạng giãn tĩnh mạch không biến chứng.

Bổ sung một số chất chiết xuất từ thực vật đươc cho là một sự hỗ trợ tốt cho điều trị truyền thống của bệnh suy giãn tĩnh mạch. Các Bioflavonoids (Diosmin, hợp chất Proanthocyanidin oligomeric, Hesperidin) có hiệu quả đặc biệt trong điều trị bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch nhờ hoạt tính giảm huyết áp, bảo vệ và tăng cường sức bền thành mạch, đối kháng với các chất trung gian hóa học gây viêm. Diosmin và Hesperidin (chiết xuất từ các loại trái cây có múi như cam, quýt, chanh…) có nhiều bằng chứng mạnh mẽ về hiệu quả và độ an toàn trong điều trị giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ trong các thử nghiệm lâm sàng có độ tin cậy cao. Đặc biệt các hoạt chất này hoàn toàn hiệu quả và an toàn trên phụ nữ có thai, không ảnh hưởng tới thai kỳ và sự phát triển của thai nhi và sự phát triển của trẻ sơ sinh. Proanthocyanidin oligomeric (OPC) được chiết xuất từ vỏ cây thông và từ hạt nho cũng được chứng minh là có khả năng ức chế các enzyme hyaluronicdase, elastate và collagenase (Các enzyme này có thể phá hủy cấu trúc mô liên kết, dẫn đến tăng tính thấm thành mạch). Đặc điểm này của Proanthocyanidin oligomeric  (OPC) làm cho chúng có hiệu quả trong việc giảm tính thấm thành mạch, tăng cường độ bền của mao mạch, tăng trương lực mạch máu và điều hòa sự co giãn mạch máu.

Hiểu được những yếu tố nguy cơ và cơ chế của bệnh suy giãn tĩnh mạch, từ đó điều chỉnh lối sống phù hợp và có chế độ ăn uống, bổ sung những chất chiết xuất từ thực vật đặc thù sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như hỗ trợ điều trị, làm giảm những biến chứng và tác hại của bệnh. Khi đó chúng ta sẽ duy trì được một cơ thể khỏe mạnh, nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.     

BS Nguyễn Thị Thu Nguyệt tổng hợp và biên soạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *