Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý rối loạn lưu thông dòng máu về tim, gây ứ đọng máu tại tĩnh mạch, làm tăng áp lực tĩnh mạch. Về bản chất, suy giãn tĩnh mạch có thể gặp ở bất cứ tĩnh mạch nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất là hệ thống tĩnh mạch chi dưới (còn gọi là giãn tĩnh mạch chân) do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài, cấu trúc phức tạp và thường xuyên phải chịu áp lực lớn.
Suy giãn tĩnh mạch có thể nguyên phát hoặc thứ phát. Suy giãn tĩnh mạch nguyên phát (vô căn): ban đầu tĩnh mạch bị giãn và dài ra sau đó các van tĩnh mạch mất chức năng, làm dòng máu về tim bị trào ngược lại và ứ đọng máu tại tĩnh mạch. Suy tĩnh mạch thứ phát: thường do viêm tĩnh mạch, ở nhóm này các van tĩnh mạch bị tổn thương mất chức năng trước, sau đó tĩnh mạch mới bị giãn và dài ra
Suy giãn tĩnh mạch thường hay gặp ở nữ nhiều hơn khoảng 4-5 lần so với nam giới. Có thể vì nữ chịu tác động của nội tiết tố nữ nhiều hơn, do thai nghén, khối lượng cơ thấp và đi giầy không thích hợp. Hơn nữa, nữ cũng hay làm việc tại các nghành nghề phải đứng/ngồi nhiều, đứng lâu một chỗ như giáo viên, nhân viên văn phòng, bán hàng, thợ dệt, thợ may…. vốn là các yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh giãn tĩnh mạch thứ phát. Một số các yếu khác như béo phì, hút thuốc, tăng huyết áp hay lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực cũng là những yếu tố nguy cơ của suy giãn tĩnh mạch
Các triệu chứng sớm của suy tĩnh mạch là đau tức ở chân, cảm giác như chuột rút. Nặng hai chân khi nằm, đứng hoặc ngồi lâu và triệu chứng này mất đi hoặc giảm nhẹ khi bệnh nhân đi lại. Đau nhiều khi có kèm viêm tắc tĩnh mạch. Các triệu chứng thực thể có thể phát hiện là: chi dưới nổi các búi tĩnh mạch, các tĩnh mạch ngoằn ngèo nổi rõ dưới da, sờ có thể thấy các tĩnh mạch xơ cứng. Nếu siêu âm Doppler mạch 2 chi dưới có thể xác định được những rối loạn huyết động học, tình trạng của các van tĩnh mạch và mức độ giãn của tĩnh mạch và các cục thuyên tắc trong lòng mạch
Suy giãn tĩnh mạch nếu không được điều trị, nhẹ thì có thể gây đau mạn tính và loét chân, phù mạch bạch huyết thứ phát, nặng có thể gây thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc tĩnh mạch phổi rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.
Điều trị suy giãn tĩnh mạch phụ thuộc vào mức độ và bản chất của bệnh. Mục tiêu điều trị nhằm giảm khó chịu, giảm phù, ổn định vẻ ngoài của da, loại bỏ giãn tĩnh mạch, điều trị vết loét (nếu có).
Phòng bệnh bằng cách loại trừ các yếu tố nguy cơ cao như hạn chế đứng lâu, ngồi lâu, tăng cường tập thể dục, thể thao, một chế độ ăn nhiều chất xơ, bổ sung các dưỡng chất và thực vật cụ thể để ngăn ngừa và điều trị bệnh (sẽ đề cập chi tiết hơn ở một bài khác khác) … Điều trị thông thường hiện nay bao gồm liệu pháp nén cơ học, liệu pháp xơ hóa hoặc phẫu thuật. Liệu pháp cơ học bao gồm mang vớ áp lực, nâng chân lên cao cho các trường hợp suy giãn tĩnh mạch nhỏ và nhẹ. Liệu pháp xơ hóa: Tiêm xơ phá hủy tĩnh mạch bị giãn ở những trường hợp búi tĩnh mạch khu trú và nhỏ. Giãn tĩnh mạch đau kèm theo viêm tĩnh mạch tái phát, hoặc thay đổi da được coi là có chỉ định phẫu thuật. Liệu pháp phẫu thuật nhằm cắt bỏ tĩnh mạch giãn, sửa van, tạo hình tĩnh mạch. Kết hợp điều trị nội khoa giảm đau, chống viêm, thuốc tăng vững bền thành mạch, tan cục máu đông…
Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh phổ biến, đặc biệt với nữ giới với một số ngành nghề đặc biệt phải đứng/ngồi lâu,ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi đe dọa tử vong. Vì vậy, cần thay đổi lối sống, loại bỏ những yếu tố nguy cơ và kịp thời phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ để được khám, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe, gia tăng chất lượng cuộc sống.
BS Nguyễn Thị Thu Nguyệt tổng hợp và biên soạn