Công dụng của Silymarin

Silymarin là hoạt chất chiết xuất từ hạt và quả khô của cây Kế sữa (Silymarin marianum). Hiệu quả điều trị của silymarin trong các bệnh lý về gan đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu lâm sàng.

1. Đặc điểm hóa học của Silymarin

Silymarin là một hỗn hợp của 4 Flavonolignan: silibinin, isosilibinin, silydianine và silychristine. Trong đó, silibinin (chiếm xấp xỉ 50-60%) có vai trò quan trọng nhất, tạo nên hoạt tính sinh học của silymarin.

2. Đặc tính dược lý

Chống oxy hóa

Reactive oxygen species – ROS là những phân tử hóa học trong cấu trúc chứa oxy có khả năng phản ứng mạnh. Tiếp xúc với mức độ độc tố cao hay quá trình oxy hóa mạnh các axit béo tự do dẫn đến sự mất cân bằng giữa việc sản sinh các ROS và cơ chế kháng oxy hóa của cơ thể, gọi là tình trạng “stress oxy hóa” – có liên quan đến nhiều bệnh lý về gan bao gồm cả xơ gan.

Trong nhiều mô hình thử nghiệm trong ống nghiệm, silibinin cho thấy khả năng ức chế các gốc tự do và loại bỏ ROS mạnh. Silymarin kích thích quá trình tạo ra glutathione trong gan từ đó góp phần tăng cường khả năng chống oxy hóa của gan. Ngoài ra, silymarin ổn định tính thấm của màng thông qua ức chế sự peroxy hóa lipid, giúp gan duy trì nồng độ chất chống oxy hóa nội sinh (glutathione).

Kháng viêm

Nhiều bằng chứng chứng minh silymarin có khả năng ức chế tổng thể đối với các chất trung gian gây viêm như NF-κB và các chất chuyển hóa gây viêm như prostaglandin E2 (PGE2) và leukotriene B4 (LTB4). NF-κB là một chất điều hòa phiên mã quan trọng của phản ứng viêm và đóng một vai trò thiết yếu trong việc dẫn truyền tín hiệu viêm trong gan, được kích hoạt trong hầu hết các bệnh gan mãn tính.

Chống xơ hóa

Sự hình thành sợi xơ hóa gan do tổn thương mô gan mãn tính, đặc trưng bởi sự hoạt hóa các tế bào hình sao ở gan, gây ra sự lắng đọng các sợi collagen dẫn đến xơ gan. Trong một mô hình thử nghiệm in vitro về quá trình tạo sợi xơ hóa ở tế bào gan người, silibinin đã chứng minh các đặc tính chống xơ hóa bằng cách ức chế các yếu tố gây ra sự sản xuất các pro-collagen trong các tế bào hình sao được hoạt hóa.

Trong một mô hình thử nghiệm gây xơ gan do rượu dẫn đến sự gia tăng collagen loại I trong các mẫu sinh thiết gan trên khỉ đầu chó, kết quả cho thấy việc sử dụng silymarin làm giảm đáng kể sự gia tăng collagen loại I do rượu gây ra. Từ đó có thể chứng minh tác dụng chống xơ hóa của silymarin.

3. Ứng dụng lâm sàng

Xơ gan/ Bệnh gan liên quan đến rượu

Silymarin đã được khảo sát trong một số nghiên cứu lâm sàng ở bệnh nhân xơ gan và/hoặc bệnh gan do rượu. Đánh giá dữ liệu lâm sàng trên các nghiên cứu được phân tích cho thấy điều trị với silymarin giúp giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì biến chứng liên quan đến gan so với nhóm sử dụng giả dược. Trong đó, nghiên cứu của Ferenci và cộng sự thực hiện trên 170 bệnh nhân xơ gan cho thấy, sau 4 năm, tỷ lệ sống sót ở nhóm bệnh nhân được điều trị với silymarin liều 420mg/ngày cao hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược (58% so với 39%).

Khi kiểm tra chức năng gan, silymarin chứng minh tác dụng giúp giảm nồng độ men gan Alanin Aminotransferase (ALT) và Aspartate Aminotransferase (AST).

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) & viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH)

Stress oxy hóa được coi là tác nhân chính dẫn đến sự tiến triển từ bệnh nhiễm mỡ đơn thuần thành NASH. Các tài liệu gần đây cho thấy việc điều trị bằng các chất chống oxy hóa và các chất quét gốc tự do có lợi trong việc cải thiện các thông số sinh hóa và mô học trên các bệnh nhân mắc NASH.

Nghiên cứu thí điểm của Butorova và cộng sự tiến hành trên những bệnh nhân bị NAFLD hoặc NASH, sau 2 tháng điều trị với silymarin, kết quả thu được chỉ ra rằng silymarin có thể làm giảm hoặc bình thường hóa các thông số chức năng gan và cải thiện các thông số giải phẫu gan qua siêu âm, so sánh với nhóm bệnh nhân chỉ thực hiện chế độ ăn kiêng.

Suy gan do amatoxin

Amatoxin là một loại độc tố có độc tính cực mạnh, có trong loại nấm Amanita phalloides. Amatoxin gây ức chế RNA-polymerase II – một enzyme cần thiết cho chức năng tế bào gan, một lượng nhỏ độc tố cũng có thể dẫn đến suy gan cấp tính

Nhiều bằng chứng lâm sàng phong phú cho thấy silibinin có thể được coi là lựa chọn điều trị suy gan do ngộ độc nấm amatoxin.

Tổn thương gan do thuốc

Nhiều loại thuốc trải qua chuyển hóa ở gan, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các chất chuyển hóa có hoạt tính, có thể gây độc cho gan. Tổn thương gan do thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh suy gan cấp tính ở các nước phương Tây.  Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng ngăn ngừa tổn thương gan, cải thiện chức năng gan và cả chất lượng cuộc sống của bệnh nhân của silymarin.

Một phân tích tổng hợp gần đây, trên tổng cộng 1198 bệnh nhân đang điều trị với các thuốc chống lao cho thấy liệu pháp dự phòng bằng silymarin góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ tổn thương gan do thuốc sau 4 tuần sử dụng. Ngoài ra, silymarin cải thiện đáng kể chức năng gan ở những bệnh nhân đang điều trị với thuốc chống lao, đánh giá dựa trên việc giảm nồng độ ALT, AST và Phosphatase kiềm (ALP).

Trong một nghiên cứu ở Trung Quốc trên 70 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho đang hóa trị, một tỷ lệ lớn hơn ở nhóm bệnh nhân được sử dụng silymarin liều 420mg/ngày trong khi điều trị hóa trị không có hoặc có tổn thương gan do thuốc ở mức độ nhẹ hơn so với nhóm chỉ điều trị hóa trị đơn độc. Tác dụng phòng ngừa và điều trị bệnh gan do hóa trị liệu của silymarin cũng được đánh giá trong hai nghiên cứu thí điểm ở bệnh nhi mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho và thu được kết quả tích cực thu trong việc cải thiện các thông số về men gan. Những bằng chứng sơ bộ chứng minh silymarin có thể là một chất hỗ trợ an toàn và hiệu quả ở những bệnh nhân đang hóa trị liệu.

Silymarin đã cho thấy những tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ điều trị ở hầu hết các bệnh lý về gan bao gồm cả xơ gan và tổn thương gan do lạm dụng rượu. Silymarin có khả năng dung nạp tốt, tỷ lệ tác dụng ngoại ý thấp và không có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc tử vong được báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng. Để đạt được kết quả tốt nhất, nên bắt đầu điều trị bằng silymarin càng sớm càng tốt khi khả năng tái tạo của gan vẫn còn cao.

Nguồn: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32065376/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *